Theo chuyên gia Trương Cung Nghĩa thì thiết kế bao bì phải cần chú trọng đến nhiều yếu tố, trong đó chú ý đến màu sắc, các thông tin chính để làm nổi bật hơn. Điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ các thị trường, văn hóa từng vùng miền… từ đó đưa ra những sản phẩm bao bì phù hợp.
Lớp học “Xây dựng bao bì, thương hiệu cho sản phẩm” của khóa tập huấn “Những vấn đề cơ bản về Khởi sự Kinh doanh” dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thanh niên mới khởi nghiệp tại Đồng Tháp, do chuyên gia Trương Cung Nghĩa – Giám đốc Công ty tư vấn Trương Đoàn phụ trách, dụng cụ học tập của học viên chính là hàng chục sản phẩm, bao bì của các bạn trẻ, doanh nghiệp mới thành lập mang đến. Sự tranh luận, góp ý thẳng thắn, sôi nổi và cởi mở giữa học viên, báo cáo viên với chính chủ nhân của các sản phẩm, bao bì đã giúp 66 học viên tiếp thu hiệu quả.
Chị Bùi Thị Thanh Thủy – Giám đốc Công ty TNHH TM Niwa Nano, Đồng Tháp chia sẻ: Buổi học đã cho tôi nhiều điều quý, nhất là việc định hướng trong việc tạo ra các bao bì đẹp, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Trong đó chú trọng đến các yếu tố như màu sắc, font chữ, kích thước hình, kích thước về thông tin chính, thông tin phụ trên bao bì…
Buổi học này cũng giúp tôi có được sự tự tin và quyết tâm thực hiện tốt dự án khởi nghiệp dù nay đã bước qua tuổi 45. Gần 1 năm sản xuất các loại mứt nguyên trái và từ vỏ cam, quýt, bưởi, nước mật tắc, mứt trái hạnh… tôi đã bỏ ra khoản chi phí lớn để thiết kế, sản xuất bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của công ty không cao.
Gần đây, do muốn thay đổi bao bì nhưng vì tiếc của nên tôi tiếp tục sử dụng bao bì cũ. Tất cả các sản phẩm mứt vỏ chanh, bưởi, tắc, quýt… được đóng gói vào cùng chủng loại bao nilon, nhãn mác tựa tựa như nhau, khó phân biệt từng loại.
Trong khi đó, 2 sản phẩm nước màu bưởi và nước mật tắc có màu gần giống nhau, tôi sử dụng chai nhựa cùng kích thước, chủng loại và nhãn chỉ có tờ giấy sơ sài trên nắm lọ, do đó người tiêu dùng không phân biệt được và không thu hút hay gây được ấn tượng. Nhờ sự tư vấn của chuyên gia, của các anh chị trong lớp học này, tôi sẽ thay đổi mẫu mã bao bì theo từng loại củ thể để khách hàng dễ phân biệt. Việc thiết kế nhãn mác sẽ chút trọng hơn về thông tin chính của sản phẩm là của doanh nghiệp nào, đặc biệt là thông tin rõ hơn trên bao bì về lợi ích của sản phẩm.
Trong khi đó, Trương Lê Huy Hoàng, người mới khởi nghiệp với sản phẩm khô trâu Quang Hiển, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ rằng: Trước đây, bao bì sản phẩm khô trâu của Hoàng được thiết kế dựa trên ý thích chủ quan của bản thân. Nay đưa cho các anh chị học viên, chuyên gia, là những người có kiến thức về bao bì rồi hoặc là đóng vai của người khách hàng, người ta đã có những nhận xét sâu sắc hơn.
Thí dụ như là việc thiết kế logo có hình con trâu quá to, chiếm gần hết bề mặt bao bì hay là việc đóng gói sản phẩm trong bao bì bằng giấy là những nhược điểm lớn. Điều này được chuyên gia, các học viên góp ý thẳng thắn vì bao bì dễ bị ướt nước hay nhàu nát…, hình ảnh con trâu quá lớn không phù hợp mà nên thu nhỏ lại để đưa thêm những thông tin chính về thương hiệu, hay thông tin về sản phẩm.
Theo tìm hiểu, trước đây, Hoàng chỉ học các thiết kế bao bì, tìm ý tưởng cho bao bì, thương hiệu của công ty “Khô trâu Quang Hiển” nhờ vào internet, nhưng gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao. Việc học qua internet này không giúp Hoàng có được sự giao tiếp, tương tác tốt với người dạy và những người xung quanh nên có thắc mắc, chàng trai này không biết hỏi ai, được giải đáp như thế nào…
“Ngoài việc thay đổi các chi tiết, mẫu mã, chất lượng bao bì thì theo góp ý của các anh chị trong lớp học, em sẽ có thiết kế và đóng gói thêm nhiều kích cỡ với trọng lượng nhỏ hơn, để bán giá thấp hơn,. Dễ chịu hơn, từ đó khách hàng dễ tiếp cận hơn”. Lớp học mang lại cho em niềm tin về sự thành công lớn hơn, biết cách xây dựng chiến lược kinh doanh, biết cách làm sao để làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
Bản thân là người không chuyên về kinh doanh nên khi mới khởi nghiệp thì rất mơ hồ, chưa biết thực hiện từng bước như thế nào. Do đó, những lớp học như thế này giúp mình định hình được cách thức để đưa sản phẩm ra thị trường. Trương Lê Huy Hoàng chia sẻ.
Chuyên gia Trương Cung Nghĩa đúc kết rằng, muốn bán được nhiều sản phẩm, việc chọn lựa bao bì phù hợp là yếu tố quan trọng. Thiết kế bao bì, cần chú trong đến nhiều yếu tố, trong đó chú ý đến màu sắc, các thông tin chính để làm nổi bật hơn. Điều quan trọng là phải tìm hiểu thị trường, văn hóa từng vùng miền.., từ đó đưa ra những bao bì phù hợp. Ví dụ như ở Đồng bằng Nam bộ, người dân thích những bao bì nhiều màu sắc, rực rỡ. Nhưng đối với TPHCM thì họ cần những bao bì thiết kế đơn giản hơn nhưng nhìn sang trọng hoặc các màu mang tính cổ điển…
Khóa tập huấn “Những vấn đề cơ bản về Khởi sự kinh doanh” tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng với các đối tác chiến lược như Tập đoàn Cà Phê Trung Nguyên, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo VN – Phần Lan ( IPP); Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ Việt Nam (SVF), Công ty cổ phần Vinamit, Tập đoàn Thiên Long, CT TNHH MTV Trà Tâm Lan kết hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn ra trong các ngày 6,7,13 và 14/5/2017.
Sau khóa tập huấn, ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho 62/66 học viên tham gia khóa học. Những học viên này là đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thanh niên mới khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.