Giấy in bao bì phổ biến ở nhiều ngành nghề như thực phẩm, may mặc, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, điện tử, thủ công mỹ nghệ… bởi độ bền cao, giá thành rẻ, dễ in ấn và đặc biệt là phân hủy nhanh, tái chế được nên thân thiện với môi trường.
Giấy in bao bì có đa dạng chủng loại, kéo theo đó là sự khác biệt về định lượng, bề mặt giấy, mức độ “ăn mực”, độ bền… của từng loại giấy. Để chọn được giấy in phù hợp nhất – việc hiểu rõ, phân biệt được từng chất liệu giấy là điều kiện cần.
Thuận Phát Hưng sẽ giúp bạn phân biệt 8 loại giấy in bao bì phổ biến nhất trong bài viết này.
Top Các Loại Giấy In Bao Bì Phổ Biến Nhất Hiện Nay
Giấy Ford
Giấy Ford còn được gọi là giấy Fort, giấy ốp, Woodfree uncoated paper (WFU). Loại giấy in bao bì này làm từ 100% bột giấy với bề mặt nhám (không tráng phủ) và dễ bám mực. Các định lượng thông dụng của giấy Fort: 80gsm, 100gsm, 120gsm, 140gsm…
Phân loại:
- Giấy Ford trắng: có độ trắng cao (trên 68%); thường dùng làm in bao thư, giấy tiêu đề, in sách màu, photocopy trong văn phòng…
- Giấy Ford vàng: có giá thành rẻ; độ trắng dưới 60% và ngả sang màu vàng; dùng để in sách giáo khoa, sách văn học…
Ưu điểm:
- Đa dạng định lượng và màu sắc.
- Nhiều kích thước: từ A5 đến A0.
- Tính ứng dụng cao.
- Thân thiện với môi trường, có thể tái chế.
- Giá rẻ.
Nhược điểm:
- Mỏng, mềm nên chất lượng bản in chưa nổi bật.
- Dễ bị nhòe mực in.
Giấy Couche
Couche là giấy in làm bao bì được sử dụng phổ biến nhất hiện nay với bề mặt tráng phủ bằng cao lanh. Loại giấy này sở hữu nhiều điểm nổi bật như: bề mặt láng, mịn, bóng, độ sáng cao – cho hiệu ứng in đẹp mắt; hợp với nhiều công nghệ in. Định lượng giấy Couche khoảng 90 – 300 gsm.
Phân loại:
- Giấy Couche Gloss (bóng): được dùng phổ biến, có bề mặt sáng bóng, màu sắc in ấn tươi.
- Giấy Couche Matt (mờ): bề mặt mờ mịn, không bóng, màu in dịu nhẹ.
Ưu điểm
- Bề mặt sáng bóng láng mịn nên in bắt mực tốt và bền màu.
- Độ trắng cao, nếu mực thấm vào giấy khi in offset thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến màu sắc bao bì.
- Dễ gia công (cán, xén, ép kim, ép nhũ…).
Nhược điểm: giá cao hơn giấy Fort
Ứng dụng: in màu danh thiếp, menu, bìa sách, tạp chí, in catalogue, tờ rơi…
Giấy Bristol
Giấy Bristol có nguồn gốc từ nước Anh với 2 mặt giấy được tráng trắng, láng mịn. Sản xuất giấy Bristol bằng cách ép nhiều lớp giấy mỏng dưới lực nén để tăng độ dày và độ cứng của tấm giấy. Định lượng giấy từ 67 – 400gsm nhưng thông dụng nhất là 300gsm và 280gsm. Khổ giấy thường gặp là 79x109cm, 65x86cm, 65x84cm, 60x84cm.
Ưu điểm:
- Bề mặt láng mịn tạo hiệu ứng in ấn đẹp.
- Nhiều định lượng, đáp ứng đa dạng nhu cầu in ấn bao bì.
- Độ bền cao, giấy dày dặn.
- Phù hợp với nhiều dòng máy in và nhiều loại mực in.
- Tính ứng dụng cao.
Nhược điểm
- Giá thành khá cao.
- Trọng lượng nặng vì được ép từ nhiều lớp giấy.
Phân loại:
- Giấy Bristol nhẵn: ít hoặc không có dấu răng, vết sần sùi.
- Giấy Bristol sần: có những vết sần sùi.
Ứng dụng: in hộp xà bông, mỹ phẩm, dược phẩm, bìa sơ mi, brochure, card, tờ rơi, poster, thiệp cưới, thiệp mời…
Giấy Duplex
Giấy Duplex có một mặt giấy được tráng phủ và mặt kia không tráng phủ, thường dùng để sản xuất các bao bì đòi hỏi độ cứng cao và kích thước lớn. Loại giấy này sản xuất bằng cách ép hai lớp giấy với nhau nên kết cấu và màu mực của hai mặt sẽ khác nhau. Đặc trưng của giấy Duplex là không “ăn mực”. Giấy Duplex có nhiều định lượng, trung bình khoảng 250gsm – 500gsm.
Phân loại:
- Giấy Duplex 1 mặt: chỉ một mặt được tráng và mặt còn lại không được tráng.
- Giấy Duplex 2 mặt: tráng phủ cả hai mặt .
Ưu điểm:
- In được đa dạng kích thước bao bì – hộp giấy – thùng carton ở nhiều ngành nghề (thực phẩm, mỹ phẩm, cơ khí…).
- Bề mặt dễ in ấn, chất lượng in sắc nét.
- Giá in ấn rẻ.
Nhược điểm: nếu in ấn hộp giấy thì cần tiến hành gia công cán màng để có chất lượng tốt hơn.
Ứng dụng: làm bao bì giấy, in hộp giấy, làm thùng carton, làm hộp quà, in bao thư – bìa hồ sơ…
Giấy Decal
Giấy Decal là loại giấy in bao bì khá dày với cấu tạo 4 lớp:
- Lớp mặt: thường là giấy decal AL bóng hoặc AL thường.
- Lớp keo ở giữa: thường là Acrylic bám chặt với lớp mặt.
- Lớp ngăn dính: thường là silicon hoặc PE-silicon, ngăn cách lớp đế không dính chặt vào lớp keo.
- Lớp đế: bóc ra khi dùng giấy decal, thường làm từ giấy Glassine.
Các định lượng phổ biến của giấy Decal là 115gsm, 135gsm, 150gsm… Kích thước thường là khổ A4 (210 x 297mm) và có thể thay đổi theo yêu cầu.
Ưu điểm:
- Hình ảnh, màu sắc in ấn được thể hiện đẹp mắt – chân thực.
- Độ bám dính tốt.
- Kháng nước.
- Chất liệu giấy mỏng, nhẹ nên dễ tạo hình.
- Tương thích với nhiều công nghệ in.
- Chi phí in ấn không cao.
Nhược điểm:
- Thích hợp trong điều kiện môi trường bình thường, không tiếp xúc lâu với ánh nắng – độ ẩm thấp – hóa chất dung môi…
- Độ bền kém nếu không cán màng bóng bên ngoài.
Ứng dụng: in nhãn mác hàng hóa, in tem bảo hành – tem niêm phong…
Giấy Kraft
Giấy Kraft (tên thông thường là giấy xi măng) được sản xuất từ bột giấy hóa học của gỗ mềm, tạo nên bởi quy trình nghiền bột có tên là kraft. Quá trình sản xuất giấy Kraft có thể được đốt tái sinh nhiệt, tiết kiệm năng lượng nên loại giấy này còn được gọi là giấy tái sinh. Định lượng giấy dao động từ 80 – 400gsm/m2.
Phân loại:
- Giấy Kraft màu nâu vàng nhạt: làm từ sợi Xenlulozo xử lý bằng muối Natri Sunphat, không tẩy trắng.
- Giấy Kraft màu trắng: vốn là màu nâu vàng được tẩy trắng để sản xuất giấy trắng.
Ưu điểm:
- Thấm hút dầu, thấm hút ẩm tốt.
- Dẻo dai, khả năng chịu lực cao.
- Giá thành rẻ, tiết kiệm chi phí in ấn bao bì.
- Ứng dụng in bao bì trong mọi lĩnh vực.
- Không sinh ra chất độc hại ở nhiệt độ cao.
- Khả năng tái sử dụng cao, dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Nhược điểm: bao bì giấy kraft không thể đựng sản phẩm ở dạng lỏng hoặc dạng keo.
Ứng dụng: sản xuất túi giấy, giấy gói, lớp lót, phong bì, giấy xi măng gói hàng, thùng carton, túi đựng thực phẩm…
Giấy Ivory
Giấy Ivory là loại giấy in bao bì với hai mặt giấy khác nhau: một mặt nhám và mặt kia được tráng phủ với độ bóng cao – trắng mịn. Định lượng phổ biến của giấy là 190gsm đến 400 gsm, trong đó thông dụng nhất là ivory 300, 350 và 400.
Phân loại:
- Giấy Ivory (FBB): có một mặt màu trắng nhám và mặt kia tráng phủ siêu cán láng; dày và cứng; định lượng phổ biến 210 – 350gsm.
- Giấy Ivory Kraft: có một mặt tráng phủ nhưng mặt còn lại có màu sẫm, sần như giấy kraft; định lượng phổ biến 230 – 500gsm.
Ưu điểm:
- Có bề mặt láng mịn cho hình in đẹp.
- Độ bền, độ cứng khá tốt, chịu được va đập nhẹ.
- Dễ dàng gia công.
- Phù hợp với nhiều công nghệ in.
- Ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực:
Nhược điểm:
- Giá thành cao hơn giấy Couche, Bristol.
- Không trắng bằng giấy Couche.
Ứng dụng:
- Làm in túi giấy, hộp giấy….
- Làm thư mời, thư cảm ơn, voucher giảm giá…
Giấy Mỹ Thuật
Giấy mỹ thuật thường dùng để in ấn bao bì cao cấp, bề mặt giấy láng mịn hoặc hơi sần, có thể kết hợp nhiều kỹ thuật khác như cán gân, ánh nhũ kim… Giấy có định lượng từ 120 – 180gsm, có độ cứng và độ bền cao hơn các loại giấy thông thường.
Các loại giấy mỹ thuật phổ biến:
- Giấy Linen: bề mặt có vân phớt nhẹ.
- Giấy IPACK: độ cứng, độ dày cao, bề mặt mịn màng và màu sắc tươi tắn.
- Giấy Romance: màu sáng, bề mặt có độ xốp cao cho hình in đẹp.
- Giấy Notturno: màu đậm, bề mặt mịn.
- Giấy Stardream: có ánh kim.
- Giấy Safari: có độ mịn và độ trắng cao.
Ưu điểm:
- Tạo sự đẳng cấp, mới lạ cho bao bì giấy.
- Độ bền cao, hình in ít phai mờ.
Nhược điểm: giá thành tương đối cao.
Trên đây là thông tin về 8 loại giấy in bao bì thông dụng nhất hiện nay. Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm rõ hơn về định lượng, ưu nhược điểm và ứng dụng của từng loại giấy. Khi cần tư vấn, giải đáp các thông tin liên quan đến bao bì giấy, vui lòng liên hệ Thuận Phát Hưng để được hỗ trợ chuyên nghiệp.