Theo: Công Thương
Đón đầu cơ hội
Tại Diễn đàn “Kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và Logistics” diễn ra ở TP Hạ Long, từ lời giới thiệu của lãnh đạo Công ty FADO (sàn thương mại điện tử) về Blue Sea, một start-up khá thành công khi đưa túi giấy Việt Nam “đi Tây” đã khiến chúng tôi rất tò mò. Rất may lúc đó, CEO Blue Sea – Lưu Thị Thu Huyền đã dành cho một lời hẹn. Và đúng vào ngày cuối năm 2019 hối hả, chúng tôi đã được tìm hiểu hành trình khởi nghiệp của Blue Sea với nhiều gian truân, nhưng đầy khát vọng của một start-up non trẻ.
Trong văn phòng vừa mới khai trương khang trang, chị Lưu Thị Thu Huyền niềm nở và bắt đầu luôn vào câu chuyện túi giấy Blue Sea đi Mỹ. Cầm trên tay những túi giấy có thương hiệu quốc tế và các thương hiệu top 1 Việt Nam, chị Huyền cho hay, đây là những sản phẩm túi giấy do chính Blue Sea sản xuất, tất cả đều là túi giấy ECO tuân thủ theo chứng chỉ FSC (bảo vệ rừng), đạt tiêu chuẩn ISO 9001; ISO 14.000, các chứng chỉ đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. “Blue Sea tự hào là nhà cung cấp bao bì túi giấy đầu tiên của Việt Nam cho Thương hiệu thời trang toàn cầu Lacoste. Niềm vui ngoài mong đợi khi mới đây, hai Tập đoàn sản xuất thực phẩm quốc tế số 1 tại Việt Nam đã mời Blue Sea trở thành nhà cung cấp túi giấy chính ở miền Bắc”- chị Huyền chia sẻ thêm.
Câu chuyện đưa hàng Việt đi nước ngoài không còn quá xa lạ đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bao bì, túi giấy Việt “xuất ngoại” lại là điều hoàn toàn mới. Đặc biệt hơn, việc chắp cánh cho túi giấy vượt đại dương đến từ một công ty start-up và người “chèo lái” con thuyền ấy đã bước sang tuổi 40 – cái tuổi xưa nay được coi là “hiếm” trong giới khởi nghiệp là điều hết sức bất ngờ. Việc đưa được túi giấy Việt tiếp cận thị trường khó tính như thị trường Mỹ, theo chị Huyền, đến lúc này khi thị trường ổn định, đối tác tin tưởng chị mới chắc chắn rằng đây là “trái ngọt” cho những nỗ lực, quyết tâm của Blue Sea.
Là người biết nghề bao bì và có kinh nghiệm quản lý hơn 10 năm trong nghề in ấn, trước khi điều hành Blue Sea, chị Huyền đang có một công việc ổn định nhiều người mơ ước. Nhưng, chị đã quyết định rẽ lối mới đầy thử thách là thành lập Blue Sea. “Quyết định chọn con đường mới với nhiều mạo hiểm, rủi ro nhưng lại tràn ngập niềm tin, khát khao dấn thân đối với lĩnh vực in bao bì đang rất có tiềm năng, nhiều cơ hội trước nhu cầu thị trường xanh và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc mang lại”– chị Huyền bày tỏ.
Chỉ một thời gian ngắn, cùng với cộng sự, Blue Sea mạnh dạn đầu tư đầu tư máy móc, thiết bị chuyên sâu về sản xuất túi giấy trên nền tảng một nhà máy có kinh nghiệm sản xuất bao bì, phát triển hệ thống bán hàng, kết nối với FADO trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Kết quả, chỉ vẻn vẹn sau 2 năm thành lập, túi giấy của Blue Sea đã chính thức có mặt tại các thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Đối tác chính là các hãng thời trang thương hiệu quốc tế quy mô toàn cầu và các chuỗi bán hàng thực phẩm lớn.“Các tiêu chuẩn đòi hỏi càng khó thì càng có cơ hội. Vấn đề không phải khó để đạt được yêu cầu mà khó là khi người ta không có nhu cầu. Khi có nhu cầu thì việc thỏa mãn cầu khó càng là cơ hội. Chỉ có điều chúng ta có nắm bắt được cơ hội đó hay không” – chị Huyền nhấn mạnh.
Tham vọng dẫn đầu thị trường
Để chạm được một tay vào những thành công bước đầu đó, chị Huyền chia sẻ, Blue Sea đã trải qua hành trình khởi nghiệp không ít chông gai. Đó là tháng 11/2018, Bue Sea nhận 2 đơn hàng lớn đầu tiên từ hãng thời trang lớn của Mỹ. Họ yêu cầu phải đáp ứng 1,2 triệu sản phẩm/tháng, trong khi năng lực sản xuất lúc đó của công ty chỉ là 500.000 sản phẩm/1 tháng, tức là phải tăng năng suất gấp 2 lần. Thêm nữa, do chưa có kinh nghiệm làm thủ tục bán hàng xuất khẩu, khiến cho đơn hàng không kịp thời hạn, phải đền chi phí bến cảng cho đối tác và khó khăn trong việc thanh toán với đối tác.
Nói về sự cố giao dịch quốc tế này, chị Huyền cho hay, nếu như sản xuất trong nước, mình có thể chở từng chuyến hàng nhỏ đến trước, nhưng xuất khẩu thì phải cả 1 container. Toàn bộ đội ngũ lúc bấy giờ “đứng hình” và mới thấy áp lực câu chuyện quốc tế là gì. Cứ thấy container đến là khóc vì không kịp trả hàng cho đối tác, dẫn đến toàn bộ cước đường biển bị chậm phải đền bằng cước hàng không. Sau thất bại “khá thảm hại” đó, Blue Sea ý thức rằng, khi start-up muốn đi nhanh, đi tốt, phải có công cụ quản trị và nghiệp vụ xuất nhập khẩu chuyên nghiệp. Sau một năm, toàn bộ công cụ bán hàng của công ty đã sử dụng hệ thống phần mềm ERP. Quản lý điều hành sản xuất cũng đang đưa vào phần mềm theo lộ trình phát triển. Công cụ giao tiếp với quốc tế chính thức được lựa chọn qua cổng FADO.
Dẫu vậy, chị Huyền khẳng định, khởi nghiệp không hề đơn giản. Muốn khởi nghiệp thành công, không chỉ cần chuẩn bị đầy đủ về nhiều phương diện như: tài chính, kiến thức, quản trị…, mà quan trọng nhất là xác định đúng con đường. Không phải cứ cầm nhiều “vũ khí”, cầm nhiều tiền là thành công. Năm 2020 được xác định là năm bản lề của Blue Sea, là năm khẳng định năng lực sản xuất, cũng như có thời gian đầu tư công nghệ sản xuất. “Công ty đang đầu tư vào chuỗi máy móc đồng bộ mới để nâng cao năng lực sản xuất, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân công lao động, chuyên nghiệp hóa công đoạn thủ công bằng hệ thống liên kết chiến lược. Blue Sea sẽ thực hiện Kế hoạch chuyên nghiệp hóa sản xuất quy mô lớn với sản phẩm túi giấy sử dụng cho ngành thực phẩm ăn liền, shopping bag (túi mua sắm), gift bag (túi quà tặng)”- chị Huyền thông tin.
Trong vòng 3 năm tới, Blue Sea đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất túi giấy cao cấp số 1 miền Bắc. Chia sẻ về tham vọng này, chị Huyền bộc bạch, chặng đường phía trước không hề bằng phẳng, thậm chí, có rất nhiều thách thức. Thuyền to thì sẽ gặp sóng to, nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyết tâm và luôn sẵn sàng cho những thử thách tiếp theo. |